Thai giáo cảm xúc – Phương pháp giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh

Thai giáo cảm xúc là phương pháp thai giáo bằng cách điều chỉnh cảm xúc của người mẹ. Để việc thai giáo đạt kết quả tốt nhất, mẹ nên phát triển các cảm xúc tích cực, hạn chế các cảm xúc tiêu cực. Nhờ đó, thai nhi sẽ phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Bé sẽ luôn vui vẻ, dễ chịu, an tâm khi ở trong bụng mẹ. Sau khi ra đời, bé sẽ khỏe mạnh, dễ nuôi và thích nghi tốt với môi trường sống.

Các cảm xúc tích cực mẹ nên duy trì và phát triển là: vui vẻ, thoải mái, phấn khởi, an tâm, hạnh phúc…

Các cảm xúc tiêu cực mẹ nên hạn chế là: Lo lắng, bồn chồn, tủi thân, giận dữ, bức xúc, thất vọng, hận thù…

Cảm xúc không phải thứ có thể dễ dàng diễn ra theo ý muốn con người. Vì vậy, trong thời gian mang thai, mẹ cần luyện tập một số kỹ năng điều khiển và thay đổi cảm xúc. Nhờ đó việc thai giáo cảm xúc sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất.

Thai Giáo Cảm Xúc Có Vai Trò Gì Đối Với Mẹ Bầu Và Thai Nhi?

Thai giáo cảm xúc là hình thức thai giáo đơn giản, dễ làm nhưng đem lại hiệu quả lớn với cả mẹ và bé trong thời gian mang thai. Thai giáo cảm xúc biến thời gian mang thai của mẹ thành “hành trình sẻ chia” đầy ý nghĩa. Trong hành trình này, bé sẽ thấu hiểu và sẻ chia với mẹ mọi xúc cảm hàng ngày.

Thai Giáo Cảm Xúc Đối Với Mẹ

+ Thai giáo cảm xúc giúp mẹ biết tiết chế cảm xúc xấu, phát triển cảm xúc tốt. Nhờ đó, mẹ sẽ có thêm nhiều phút giây bình yên, hạnh phúc, vui vẻ

+ Mẹ sẵn lòng trò chuyện và chia sẻ nhiều hơn với những người xung quanh để nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết

+ Mẹ dễ vượt qua các khó khăn, biến cố trong thời gian mang thai hơn

+ Mẹ không chỉ thực hành mà còn giới thiệu phương pháp thai giáo cảm xúc với nhiều mẹ bầu khác

Thai Giáo Cảm Xúc Đối Với Bé

Không chỉ mẹ, bé cũng nhận được nhiều lợi ích từ việc thai giáo cảm xúc trong thời gian nằm trong bụng mẹ. Cuốn sách “Mẹ Nhật thai giáo” của tác giả Akira Ikegawa viết: “Tùy theo tâm trạng của mẹ mà cơ thể sẽ tiết ra các loại hormone khác nhau, chẳng hạn như lúc hạnh phúc thì cơ thể sẽ tiết ra dopamine, lúc sợ hãi là adrenaline, lúc được âu yếm là gonadotropin. Các hormone này sẽ đi qua dây rốn truyền vào máu em bé”. Qua đó có thể thấy, về mặt khoa học, cảm xúc của mẹ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến em bé.

Các hormone hạnh phúc sẽ giúp em bé cảm thấy an toàn, thoải mái, dễ chịu, an tâm khi ở trong bụng mẹ. Nhờ đó, bé sẵn sàng “mở lòng” và đón nhận nguồn dinh dưỡng quý giá từ mẹ. Đồng thời, bé hào hứng với việc tiếp nhận những điều mới lạ từ thế giới xung quanh. Não bộ và các giác quan khác của bé cũng được phát triển tốt hơn.

Ngược lại, các “hormone buồn bã” nếu sản sinh trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Sự phát triển của bé ở trong bụng mẹ trở nên khó khăn hơn. Bé nhận biết được những thay đổi tiêu cực từ “môi trường bụng mẹ” và cảm thấy “khó ở”. Sau khi sinh ra, những em bé này thường có cảm xúc hoặc tính cách gần giống người mẹ trong thời gian mang thai như buồn bã, trầm lắng, nhăn nhó, cáu kỉnh. Nặng hơn, một số bé có thể mắc các chứng rối loạn hành vi, tự kỷ, trầm cảm, tăng động, kém nhận biết…

Thai Giáo Cảm Xúc Cần Được Thực Hành Từ Tháng Thứ Mấy?

Thai giáo cảm xúc là kỹ năng thai giáo đơn giản nhưng quan trọng nhất, bởi cảm xúc là thứ luôn tồn tại trong mỗi con người. Vì vậy, ngay khi biết mình mang thai, tức là từ tháng thứ 1 hoặc 2, mẹ nên tiến hành thai giáo cảm xúc. Đồng thời, mẹ nên chia sẻ với những người xung quanh, đặc biệt là chồng về phương pháp này để nhận được sự giúp đỡ và đồng hành.

Với các kỹ năng khác như thai giáo âm nhạc, thai giáo ánh sáng, thai giáo vận động; mẹ cần dựa vào từng giai đoạn phát triển của bé để có hành động phù hợp. Nhưng thai giáo cảm xúc không như vậy. Việc thai giáo cảm xúc không phụ thuộc vào sự phát triển của bé ở từng thời kỳ. Mẹ nên thai giáo cảm xúc sớm nhất có thể để tạo “môi trường nước ối” tốt lành nhất cho bé; truyền tới bé những cảm xúc tươi đẹp và biến bụng mẹ thành “căn phòng dễ chịu” cho bé.
Thai Giáo Cảm Xúc Theo Lời Khuyên Của Chuyên Gia

Tháng 2/2016, chương trình Sống khỏe của VTV đã đề cập tới vai trò của thai giáo cảm xúc đối với mẹ và bé. Trong chương trình, bà Lưu Minh Hường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáp dục trẻ thông minh sớm VSK đã chia sẻ: “ Khoa học đã chứng minh rằng tính cách của mỗi con người được quy định trong gen. Tuy nhiên, quá trình mã hóa gen bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, tâm lý, thái độ, niềm tin của người mẹ. Do đó, trong quá trình thai giáo, điều quan trọng đầu tiên là người mẹ cần giữ được tâm tĩnh, tránh căng thẳng, bức xúc. Nếu không, trẻ có thể bị sinh non, nhẹ cân; thậm chí mắc một số chứng bệnh về tâm lý như rối loạn cảm xúc. Người mẹ bị căng thẳng trong giai đoạn tuần thứ 7 – 10 của thai kỳ có thể sinh ra các em bé bị sứt môi, hở hàm ếch.

Trong những tháng đầu tiên mang thai, chúng ta không nên làm quá nhiều việc bởi điều này có thể gây nguy hiểm. Nhưng có một điều tất cả các cha mẹ đều làm được, đó là giữ gìn cảm xúc tích cực, yêu đời, chia sẻ những phút giây hạnh phúc với nhau, khám phá những không gian mới, tìm hiểu những vấn đề trước đây mình chưa tìm hiểu, miễn sao giữ được cảm xúc tích cực cho người mẹ. Chồng có thể giúp vợ tìm hiểu kiến thức, massage cho vợ, kích hoạt thai nhi. Bố có thể hoàn toàn tham gia vào quá trình thai giáo.

Nhiều khi những xung đột ko đến từ người chồng hay công việc mà đến từ chính những mối quan hệ trong gia đình. Mọi người nên ngồi xuống trò chuyện phân tích để hiểu rằng người mẹ cần giữ đc tinh thần, trạng thái cảm xúc tốt”

Thai Giáo Cảm Xúc Bằng Những Cách Nào?

Âm Nhạc

Âm nhạc là một trong những cách thai giáo cảm xúc hiệu quả nhất. Việc nghe nhạc trong 9 tháng mang thai đem lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé. Mẹ nên nghe các bản nhạc dịu dàng, êm ái, ca từ tích cực để tinh thần được thư giãn, thoải mái nhất. Đồng thời, nhạc thai giáo giúp mẹ giảm các triệu chứng ốm nghén; giảm cảm xúc nóng nực, bực bội, khó chịu thường gặp phải khi mang thai.

Trong 3 tháng đầu, nhạc thai giáo giúp tạo môi trường thuận lợi nhất cho sự hình thành của bé và giảm các nguy cơ xấu có thể xảy ra.

Trong 3 tháng giữa, nhạc thai giáo giúp các giác quan và não bộ của bé phát triển tốt hơn.

Trong 3 tháng cuối, nhạc thai giáo thúc đẩy khả năng vận động của bé, giúp bé làm quen với các âm thanh quen thuộc và không quá bỡ ngỡ khi chào đời.

Truyện Thai Giáo

Những cuốn truyện hay, giàu tính nhân văn rất hữu ích cho mẹ trong quá trình thai giáo cảm xúc. Mẹ có thể đọc đa dạng thể loại truyện như truyện cười, tiểu thuyết, truyện cổ tích… miễn sao tất cả đều có nội dung tích cực.

Việc đọc truyện thai giáo giúp mẹ có những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn và tạm “quên” đi các triệu chứng ốm nghén mệt mỏi. Truyện thai giáo cũng giúp mẹ biết thêm được nhiều câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống để sau này kể cho bé yêu nghe. Mẹ cũng có thể đọc những tập truyện tranh đã gắn liền với tuổi thơ của mình, chắc chắn nhiều kỷ niệm đáng yêu sẽ hiện về cho xem.

Viết Nhật Ký Thai Kỳ

Đây là một cách thai giáo cảm xúc rất hữu ích và… dễ thương, nhưng không phải mẹ bầu nào cũng sẵn sàng vì tâm lý… ngại viết. Viết nhật ký giúp mẹ lưu lại tất cả các cảm xúc vui buồn của mình trong quá trình mang thai.

Với những kỷ niệm vui, khi viết lại, mẹ sẽ càng thêm yêu thương, trân trọng; thậm chí còn bật cười khi nghĩ đến.

Với những kỷ niệm buồn, nếu viết ra, mẹ có thể cảm thấy nhẹ lòng hơn. Mẹ cũng có thể cảm thấy bình tĩnh và dần cân bằng lại cảm xúc tốt hơn. Nhiều ngày sau, khi đọc lại, có thể mẹ sẽ nghĩ “Ồ chuyện này nhỏ nhặt thật, vậy mà mình đã buồn đến thế sao”.

Mẹ có thể chia nhật ký thành hai cột vui và buồn. Khi nhìn vào, nếu thấy chữ viết ở cột buồn nhiều hơn cột vui, mẹ hãy áp dụng các phương pháp cân bằng và điều chỉnh cảm xúc nhé. Mẹ cũng có thể tâm sự cùng bố và những người xung quanh để tìm sự giúp đỡ.

Mỹ Thuật

Tiếp xúc với mỹ thuật cũng là một trong những cách thai giáo cảm xúc hiệu quả. Mỹ thuật không chỉ giúp mẹ bầu thư giãn mà còn phát triển khả năng cảm thụ cái đẹp và phát huy tính sáng tạo. Bé yêu sau khi sinh ra cũng có cái nhìn đẹp đẽ về cuộc sống. biết cảm nhận những điều tốt đẹp bình dị diễn ra mỗi ngày, có cơ hội phát triển tốt hơn trong lĩnh vực mỹ thuật.

Để mỹ thuật trở thành một phần của thai giáo cảm xúc, mẹ có thể:

+ Xem những bức tranh đẹp, tránh những bức tranh buồn bã, u sầu

+ Vẽ tranh theo chủ đề hoặc vẽ tĩnh vật, vẽ cảnh đẹp mình nhìn thấy

+ Nếu không vẽ, có thể tô màu và sử dụng các màu sắc mình yêu thích, giúp tâm trạng vui vẻ hơn

+ Xem trang tại các sự kiện, phòng tranh, triển lãm

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *